Ai đến Đồng Tháp, An Giang vào những ngày nước nổi lênh đênh mà không thưởng thức món cá linh-bông súng, đặc sản ếch nướng hoặc các món rắn tươi (hoặc khô) thì lúc trở về sẽ vô cùng tiếc nuối
Rắn bây giờ khó kiếm, nhất là hổ đất, hổ hành, còn hổ hèo thì lại càng quý hiếm, không phải có tiền là mua được.
Ngoại trừ vào mùa nước nổi, các tay lưới chuyên nghiệp đã lùng sục khắp nơi mới thu gom được những con rắn hiền như bông súng, ri voi, ri cá, rắn nước, rắn trun…
Đa số người săn bắt rắn là người Kh'mer, họ mang từ biên giới qua bán cho các chủ vựa Việt Nam, nhiều nhất là tại chợ An Phú, chợ Vĩnh Hội Đông (huyện An Phú, An Giang).
Rắn bắt được thường bán cho các nhà hàng, quán ăn và khách du lịch. Do mỗi năm chỉ có một mùa nước nổi nên nhiều cơ sở đã thu mua rắn để làm khô, dành phục vụ cho khách du lịch.
Khô rắn làm toàn bằng thịt của các loại rắn nước, rắn bông súng, ri voi, ri cá. Muốn làm, trước hết phải lột da rắn, cạo lấy thịt, bỏ xương. Sau đó dùng thịt ướp muối và gia vị, xong ép mỏng và phơi khô.
Khô rắn khi nướng trên bếp than hồng sẽ tỏa mùi thơm phức. Lúc thưởng thức, chúng ta có thể xé từng thớ thịt vàng ươm, nhai chầm chậm và từ từ nuốt hết chất ngọt sẽ thoảng nghe một mùi vị đặc biệt và khoái khẩu.
Khô rắn hơi dai nhưng không cứng so với khô cá lóc và cá chạch. Tuy là món ăn bình dị được chế biến từ nguyên liệu thuần Việt nhưng khô rắn vô cùng hấp dẫn nhờ hương vị và bí quyết riêng. Muốn cầu kỳ hơn, thực khách có thể nhấm nháp kèm với dưa leo, xoài sống, cóc non và chấm với tương ớt cay cay, cứ thế mà lai rai hết miếng này tới miếng khác.
Khô rắn là món ăn chơi hấp dẫn của chị em, và cũng là món nhậu khoái khẩu của cánh mày râu, có bán tại các chợ đồ khô ở An Giang, Đồng Tháp...Vì thế, nếu có dịp đến xứ này trong mùa nước nổi, du khách đừng quên mua vài bịch khô rắn về làm quà