Trong những ngày hè oi bức này, nếu dịp về các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, bạn hãy thưởng thức món canh cua đồng nấu với rau tập tàng. Đây là món rất dễ làm, lại sẵn có trong thiên nhiên của miền quê sông nước.
Khi mưa xuống, đồng ruộng ở ĐBSCL có rất nhiều cua đồng. Chỉ cần một cái thùng và một cây móc bằng sắt hoặc dây chì đỏi (dây chì lớn) cộng thêm một người hướng dẫn, thường là những cậu bé quê hiếu động, là bạn đã có thể bắt đầu chuyến "săn cua" thú vị.
Cua đồng thường làm hang ven những mé bờ, mé mương đất cứng. Những tay "săn cua" nhìn vào miệng hang sẽ biết ngay là hang có cua hay không, sau đó chỉ việc thọc móc vào hang, xoay qua, xoay lại vài cái là kéo ra được chú cua đồng to bằng cườm tay, ngo ngoe giương càng... Chừng non hai tiếng đồng hồ đi săn cua, bạn kiếm được vài kí cua ngon là chuyện dễ dàng.
Cua đem về rửa sạch bùn, gỡ mai, lấy gạch bỏ riêng ra chén. Càng to (càng kình) bẻ ra, để nguyên. Thịt cua chặt đôi, gom bỏ vào cối đá, giã nhuyễn với ít muối. Chế nước sạch vào thịt cua đã giã nhuyễn, dùng rây lược bỏ xác, vỏ cua, chỉ lấy nước cốt.
Rau tập tàng là rau vườn, rau hoang dã nhiều chủng loại, rất dễ kiếm trong vườn khi mưa xuống như: mùng tơi, bồ ngót, rau diếp, thuốc vòi, đọt dền, lá mỏ quạ, lá bình bát dây, đọt ớt hiểm… Có thể hái thêm chừng nửa trái mướp non xắt nhỏ.
Khi nước vừa sôi, cho rau vào, thấy màu thịt mướp trong xanh là nồi canh đã vừa chín. Nếu nấu già lửa quá, rau sẽ nhừ, nấu yếu lửa thì rau sẽ dai. Lúc nấu, nên đun lửa liu riu và gạt rau về một phía cho cua dễ kết dính. Sau khi tắt lửa, cho gạch cua đã phi sơ vào. Lúc này nồi canh sẽ thơm lừng, ngào ngạt, chỉ cần nêm thêm ít muối, nước mắm cho vừa ăn. Tuyệt đối không nêm bất cứ các loại rau mùi và các loại gia vị khác. Có vậy, nồi canh cua rau tập tàng mới đúng kiểu dân dã của nó với hương vị rất đặc sắc.
Giữa nắng hè oi bức, dưới bóng mát của khu vườn quê, nồi canh cua đồng với rau tập tàng bốc khói sẽ "giải nhiệt" cho bạn. Món nầy, theo y học cổ truyền, có tính giải nhiệt, mát gan, lợi tiểu…