Khi mùa gặt tới cũng là lúc những chú vịt cỏ được vỗ béo bởi thóc rơi rụng ngoài đồng. Ở Hà Nội hiện nay, các nhà hàng ngày càng phát triển nhiều món ăn chế biến từ thịt vịt.
Trong mùa đông, các món lẩu thường là lựa chọn hàng đầu của các gia đình, nhóm bạn bè mỗi khi có dịp tụ tập. Còn gì ấm áp hơn khi những người thân thiết cùng quây quần bên nồi lẩu nghi ngút khói.
Ở gia đình, các bà nội trợ thường nấu canh măng vịt cho cả nhà ăn. Các nhà hàng cải tiến thêm một chút làm thành món lẩu vịt măng, ăn vừa nóng lại thêm được nhiều rau, tốt cho sức khỏe.
Gần đây, các quán còn dành thêm sự phục vụ chu đáo cho những người thích ăn cay khi sáng tạo ra món lẩu vịt măng cay. Thay vì cho măng tươi, măng khô thông thường vào nổi lầu, đầu bếp sử dụng măng ngâm chua cay, ăn vừa giòn vừa cay xè cả lưỡi. Cả nhóm bạn 5 người ăn, chuyện vài đĩa bún, đĩa rau hết vèo cũng là chuyện thường.
Một số nhà hàng bình dân thường bê ra nồi lẩu đã có sẵn các nguyên liệu được làm chín, kể cả thịt vịt, với lý do cho khách đỡ phải đợi lâu. Bạn đừng dại dột nghe theo lời đường mật đó nhé, thịt có sẵn có thể là thừa của các món ăn khác. Bởi vậy, dù phải đợi lâu, nhất quyết bạn nên yêu cầu phải mang đĩa thịt vịt chặt sẵn còn sống khi ăn lẩu.
Giống như các loại nước lẩu khác, lẩu vịt cũng có vị chua chua nhưng ngọt béo hơn rất nhiều, nhất là trong dịp mùa vịt. Nhiều hàng còn cho thêm bỗng rượu, vừa để tạo vị chua, vừa giúp nước lẩu thơm ngon hơn. Măng ngâm chua cay thường được cho sẵn một ít vào nồi nhưng khách cũng có thể gọi thêm để cho vào nồi nước dùng hoặc ăn riêng ở ngoài. Vì măng khá chua và cay nên khi ăn, bạn đừng nên thử ăn măng ngay mà bắt đầu với rau, thịt, nhất là với những người bị đau dạ dày.
Nếu như các loại lẩu có thể ăn kèm với nhiều loại như bún, miến, bánh đa, mì thì lẩu vịt hợp nhất với bún mà thôi. Hiện có rất nhiều hàng lẩu vịt nhưng chưa có lẩu vịt măng cay. Bạn có thể tự chế bằng cách gọi thêm măng chua cay cho vào nồi.