Về miền Tây vào mùa nước nổi, bạn sẽ thấy dọc theo hai bờ những tuyến kênh, bông điên điển nở rộ thành từng chùm, ửng vàng chen lẫn sắc xanh của lá. Bông điên điển giờ đây đã trở thành đặc sản “cây nhà lá vườn”, được chế biến thành nhiều món ăn ngon mà những người dân vùng nước nổi nếu có đi xa sẽ còn lưu giữ mãi trong ký ức.
- Để bông điên điển trở thành món ăn, giản dị nhất là người ta nấu một nồi mắm kho, nhúng bông điên điển và một vài loại rau sống khác vào là đã có ngay một món khoái khẩu.
- Hoặc một cách làm đơn giản khác mà rất ngon là người ta dùng nó làm dưa. Bông điên điển lặt rửa sạch với giá sống để cho ráo nước rồi ngâm vào nước vo gạo lắng cho trong, pha muối có độ mặn vừa chuẩn trong cái vịm hay khạp nhỏ, đậy lá chuối hoặc lá môn, ủ kín chừng ba ngày sau là đã có một dĩa dưa vừa chua vừa giòn lại vừa đăng đắng, chấm với nước tương dầm ớt ăn đã ngon mà chấm với cá hoặc thịt kho lại càng ngon hơn.
Nếu ta cho vào món dưa này bông súng, ngó sen, củ co, xác dừa nạo rồi nêm tỏi, đường, bột ngọt thì giòn và ngon không chê vào đâu được. Món này thường được dùng ăn ghém với mắm kho lạt hay cá linh kho mía.
- Thế nhưng quen thuộc với người dân miền Tây hơn cả chính là nồi canh chua bông điên điển nấu với cá linh hay cá rô đồng, mà nếu nấu với bứa hoặc cơm mẻ lại còn ngon hơn. Bông điên điển vừa mới hái xuống còn tươi rói, đựng đầy trong rổ, cạnh bên là chiếc lẩu than đựng canh nóng hực. Món canh chua đã nấu sẵn từ bếp, bên trong chứa đủ các thứ cần thiết, nào bạc hà, cà chua, giá chín, và đặc biệt nhất là những con cá rô mập mạp nằm sâu bên dưới. Bên trên, nào rau thơm, rau om được rắc kín mặt, điểm thêm vài lát ớt đỏ tươi trông thật hấp dẫn.
Những chú cá rô để nguyên con, được gắp ra bỏ vào đĩa nước mắm tỏi ớt, thứ nước mắm thơm ngon ngấm vào da thịt cá, làm cho miếng cá càng ngon hơn bao giờ hết. Còn bông điên điển người ta không bỏ sẵn trong canh, chỉ khi nào ăn thì mới gắp và nhúng vào nước canh đang sôi.
- Nhiều khi người địa phương không sử dụng những nguyên liệu khác, chỉ cần nấu một cái lẩu cá với me sống vừa chua, rồi nhúng độc một thứ hoa vàng rực này vào. Có nhiều nơi còn dùng bông điên điển để ăn với bún nước lèo bên cạnh những loại rau khác như bông súng, bắp chuối xắt nhuyễn… Thưởng thức một lần rồi hẳn bạn sẽ không thể nào quên cái vị nhẫn nhẫn, bùi bùi rất đặc trưng của nó.
- Bông điên điển còn được dùng để xào tép, làm nhân bánh xèo… - một bữa tiệc miền quê vừa ngon, vừa lạ miệng mà không phải nhà hàng, quán ăn nào cũng có được. Giữa những ngày trời nước mênh mông, mưa gió mịt mù mà nhà có khách thì không gì hơn là chiêu đãi một bữa bánh xèo bông điên điển.
- Bánh được làm rất đơn giản nhưng hương vị lại đậm đà khó quên. Dùng bột gạo pha với nước cốt dừa cho loãng, thêm chút bột nghệ vào cho bánh được vàng và thơm. Bông điên điển hái về, rửa sạch, để cho ráo nước. Thịt heo xắt miếng nhỏ, ướp muối, tiêu, tỏi, đường, bột ngọt... để độ nửa giờ cho thịt thấm. Xào thịt lên, khi gần chín thì cho bông điên điển vào xào chung, làm thành nhân của bánh.
- Để có được chiếc bánh giòn, thơm thì cần chú ý cách chiên: bắc chảo bằng gang lên bếp, để lửa riu riu. Dùng cọng lá chuối cắt tựa một đầu, rồi chấm mỡ hay dầu thoa đều trên mặt chảo, đổ bột vào tráng cho tròn và mỏng, rắc thêm vài con tép lên mặt bánh. Khi bánh vừa chín thì cho nhân vào, để chừng hai phút cho bánh thật chín và vàng rồi gập đôi chiếc bánh lại như hình bán nguyệt, xúc ra đĩa hoặc mâm
Bánh xèo bông điên điển làm xong có hương vị thơm lừng của bột, nghệ, nước cốt dừa, thịt, tép, bông điên điển, mỡ, hành, tiêu, tỏi và nhiều thứ gia vị khác. Bánh được ăn với các loại rau trong vườn nhà như: đọt bằng lăng, đọt xoài, đọt điều, đọt cách, lá mơ… Lấy một miếng bánh xèo cuốn với các loại rau chấm nước mắm làm sẵn, bạn sẽ cảm nhận được hương vị tuyệt vời, nhớ hoài
Về miền Tây vào mùa nước nổi, quả là hạnh phúc cho những ai được nếm vài món ăn dân dã, mộc mạc bằng bông điên điển để cảm nhận được câu hát “Ăn bông điển điển, nghiêng mình nhớ đất quê…”.